Cách phòng tránh bệnh Viêm não mô cầu

Thứ hai - 03/06/2019 23:02
Thời tiết khí hậu nóng, lạnh thất thường và hanh khô hiện nay trên địa bàn huyện là điều kiện dễ xảy ra các bệnh truyền nhiễm gây bệnh cho con người như bệnh sởi, quai bị, tiêu chảy, thủy đậu và đặc biệt là bệnh não mô cầu.
Thời tiết khí hậu nóng, lạnh thất thường và hanh khô hiện nay trên địa bàn huyện là điều kiện dễ xảy ra các bệnh truyền nhiễm gây bệnh cho con người như bệnh sởi, quai bị, tiêu chảy, thủy đậu và đặc biệt là bệnh não mô cầu.

Nguyên nhân của bệnh viêm não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu khó lây. Chúng chỉ truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần kéo dài và thường xuyên trong gia đình hoặc tiếp xúc thân mật bởi dịch tiết nhiễm khuẩn từ mũi và họng. Một số nghiên cứu cho thấy tiếp xúc qua nước bọt mức độ thấp khó có khả năng truyền vi khuẩn não mô cầu. Trong thực tế, nước bọt đã được chứng minh là làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.
Bệnh não mô cầu có thể xảy ra quanh năm, nhưng nó phổ biến hơn vào mùa đông và đầu mùa xuân hè do yếu tố thời tiết mưa ẩm, lạnh, dễ làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Mặc dù ít gặp, nhưng đây là một bệnh nguy hiểm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não mô cầu
Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm, ít gặp nhưng thường có diễn biến nhanh. Người mắc có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh não mô cầu lây lan theo đường hô hấp, vì vậy dễ thành dịch. Biểu hiện sớm ban đầu của bệnh là sốt. Người bệnh sốt cao đột ngột 39 - 40 độ; sau đó ho, đau họng, mệt mỏi…
Người bệnh thường quay mặt vào tường, sợ ánh sáng, ít linh hoạt. Đến giai đoạn biểu hiện rõ bắt đầu có biểu hiện của viêm màng não, người bệnh thấy đau đầu tăng lên rất nhanh, đau dữ dội, buồn nôn và nôn; ban đầu số lần nôn khá thưa nhưng sau đó tăng lên nhanh, thậm chí không ăn gì cũng nôn. Người trưởng thành thường táo bón, trẻ em thường đi lỏng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ li bì, thậm chí hôn mê và dẫn đến tử vong…
Trẻ mắc bệnh này thường bị viêm màng não với triệu chứng giống như các bệnh viêm màng não khác. Bệnh nhi bị sốt, nhức đầu, nôn ói và có biểu hiện thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích. Khi khám sẽ thấy đầu của bé bị hóp một phần, không cúi xuống được, y khoa gọi là cổ cứng, dân gian gọi là cứng gáy.

Biến chứng của bệnh viêm não mô cầu
Người mắc bệnh não mô cầu có thể bị những tình trạng sau:
• Viêm màng não (Dấu hiệu bao gồm sốt, cứng gáy, lơ mơ, kích thích vật vã và bỏ ăn)
• Nhiễm trùng huyết
• Viêm phổi
• Viêm khớp
• Tổn thương não vĩnh viễn
• Tử vong.
Khoảng 1/4 số người sau khi khỏi bệnh não mô cầu bị những di chứng của bệnh.

Cách phòng bệnh viêm não mô cầu
Để phòng bệnh não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, người dân cần:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Đảm bảo vệ sinh, nơi làm việc thông thoáng.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
* Cách phòng bệnh viêm não mô cầu đơn giản và hữu hiệu nhất hiện nay là tiêm phòng vắc xin. Có 3 type não mô cầu gây bệnh là A, B, C. Ở Việt Nam có 2 loại vắc xin phòng não mô cầu là AC và BC:
- Vắc xin viêm não mô cầu AC - phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp A và tuýp C: tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh). Sau đó cần tiêm nhắc lại sau 3 - 5 năm, 1 lần.
- Vắc xin viêm não mô cầu BC - phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C: tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Trẻ cần tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi tiêm đầu 6 - 8 tuần.
Hiện nay vắc xin phòng não mô cầu là vắc xin dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tác giả bài viết: Văn Hào

Nguồn tin: Tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây