Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn, trước đó vào khoảng 14 giờ ngày 02.8.2021, 02 cháu Ly Thị Ch. 11 tuổi, Ly Thị M. 6 tuổi cùng trú tại thôn Khúa Lủng, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn rủ nhau ra nương ngô gần nhà hái quả hồng châu để ăn. Sau ăn đến khoảng 6 giờ ngày 03.8.2021 cháu M. có xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, khó thở, còn cháu Chợ có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Đến 14 giờ cháu M. có dấu hiệu sưng hai mắt, nấc và không nói được. Thấy vậy gia đình 2 cháu đưa đến Trạm y tế xã Tả Phìn khám và điều trị. Lúc vào Trạm cháu M. không đo được mạch, nhiệt độ, huyết áp; tim ngừng đập, ngừng hô hấp, đồng tử giãn, được xác định cháu M. đã tử vong và được gia đình đưa về lúc 16 giờ 30 phút ngày 03.8.2021. Ngay sau đó gia đình đã chuyển cháu Ch. lên bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn tiếp tục theo dõi và điều trị. Tình trạng lúc vào viện cháu Ch. tỉnh táo, tiếp xúc được, còn đau đầu, đau bụng, đi ngoài ít hơn.
Trước đó, ngày 23.7.2021 đã xảy ra vụ ngộ độc quả hồng châu tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, khiến các cháu phải nhập viện cấp cứu. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Mặc dù đã có nhiều giải pháp trong công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và làm thay đổi nhận thức của người dân, song vẫn chưa có nhiều biến chuyển tích cực. Các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên vẫn xảy ra tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những hậu quả đáng tiếc./.
Tác giả bài viết: Bích Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn