Tốt nghiệp trường trung cấp Y tế Tuyên Quang, năm 2001 anh được phân công công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn và được Ban Giám đốc điều động đến nhận công tác ở Sủng Trái - là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nhất của huyện. 16 năm công tác trong nghề Y, anh luôn năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động nhất là trong công tác chuyên môn, đúng mực trong từng lời ăn - tiếng nói, thái độ ứng xử khi giao tiếp với mọi người.
Năm 2003, anh được cấp trên tin tưởng giao trọng trách là Phó Trưởng Trạm Y tế xã Sủng Trái. Năm 2011, anh đã thi và thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Năm 2015 ra trường đem những kiến thức học được ở trường và kinh nghiệm của bản thân trở lại nơi đã gắn bó với anh, với nhân dân xã Sủng Trái. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn của một xã vùng cao, nhưng anh và những cán bộ Y tế của xã đã nỗ lực đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến người dân một cách gần nhất, tốt nhất. Năm 2016, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Y tế xã đến nay.
Anh tâm sự: những năm đầu khi mới về công tác, Trạm Y tế xã Sủng Trái chỉ có ba cán bộ, nhưng phải kiêm nhiệm tất cả mọi công việc, từ tiêm phòng đến khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân tại các thôn trên địa bàn xã. Địa hình, giao thông cách trở, lắm núi nhiều khe vì thế việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là đi bộ. Với trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc, anh đã không quản ngại mưa nắng, vẫn đi cả ngày đường, xuống tận thôn để tuyên truyền và khám, chữa bệnh cho người dân.
Là xã nằm ở vùng sâu, vùng xa, có 1.191hộ dân chủ yếu là dân tộc Mông, quan niệm của người dân còn lạc hậu, chủ yếu chữa bệnh bằng cách xem bói, nhờ thầy cúng chữa bệnh, trừ tà ma... Hậu quả của những tập tục lạc hậu chính là bệnh ngày càng nặng hơn, thậm chí là những cái chết thương tâm. Nhận thức rõ điều này, bác sĩ Cường đã tuyên truyền cho người dân qua những buổi khám bệnh tại nhà và tại Trạm Y tế xã, qua những buổi nói chuyện, tư vấn của bác sĩ Cường, nhận thức của người dân ở xã ngày càng được nâng lên. Mỗi khi có người nhà bị bệnh, họ không còn đưa đến nhờ thầy cúng như trước nữa, mà đã tin tưởng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Đến nay được sự quan tâm của các cấp, các ngành,Trạm Y tế được đầu tư nhà cửa khang trang, các trang thiết bị tương đối đầy đủ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến với người dân được thuận tiện hơn. Ngoài ra, anh còn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ và nhân viên Y tế thôn bản, từng hộ gia đình có vấn đề sức khỏe ưu tiên, hàng tháng có kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, do đó việc tổ chức khám chữa bênh tại Trạm Y tế và phân công đảm bảo công tác trực 24/24h cũng được cán bộ thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, Trạm Y tế không chỉ thu dung điều trị cả nội trú và ngoại trú cho người bệnh trong xã mà còn là địa chỉ tin cậy cho đồng bào các dân tộc sinh sống trong các xã lân cận.
Ngoài ra, chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia cũng được đội ngũ cán bộ y tế xã Sủng Trái triển khai thường xuyên về đến từng hộ dân. Cán bộ của trạm y tế đến nhà dân để khám chữa bệnh, tuyên truyền cho bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng tránh các bệnh thường gặp, cách chăm sóc trẻ em được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, hàng tháng cán bộ Y tế đều có lịch đi tiêm chủng ở tất cả các thôn bản trong xã, đảm bảo tiêm đúng, tiêm đủ, không bỏ sót đối tượng; Thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động áp dụng các dịch vụ SKSS - KHHGĐ đến từng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đảm bảo 95 % cặp vợ chồng được sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; Công tác đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được kiểm tra đôn đốc, các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm chế độ đảm bảo chất lượng ATVSTP, đồng thời gắn với việc tuyên truyền các hộ dân không sử dụng bột ngô mốc, nấm độc, khoai tây mọc mầm; Công tác phòng chống các bệnh Phong, Lao, Sốt rét và đề phòng các bệnh mạn tính như: Cao huyết áp, Đái tháo đường… cũng được đội ngũ cán bộ Y tế nơi đây tổ chức các đợt tuyên truyền, nói chuyện trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Từ những việc làm đó đã giúp cho nhận thức của người dân nơi đây thay đổi đáng kể. Ở Sủng Trái bây giờ không còn trường hợp nào ngộ độc thực phẩm do ăn phải bột ngô mốc và các loại nấm, rau củ quả gây độc, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã giảm đáng kể. Thống kê của Trạm y tế cho thấy, 70% bà mẹ sinh tại cơ sở Y tế hoặc do cán bộ Y tế đỡ. Công tác tiêm chủng cũng được thực hiện với trên 90% trẻ được tiêm đúng lịch, đúng liều. Trạm Y tế còn phối hợp với Chi hội phụ nữ hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, tận dụng các thực phẩm tươi có sẵn trong vườn nhà; Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 23,09% xuống còn 22,29%; Công tác khám chữa bệnh và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc chủ động phòng chống các dịch bệnh cũng đạt kết quả đáng kể. Mỗi năm trung bình Trạm Y tế đã tiếp nhận và khám chữa bệnh cho trên 5.000 lượt người dân, trong đó có hàng chục ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời.
Điều đó càng tạo thêm uy tín và niềm tin của đồng bào các dân tộc trong vùng và nhân dân các xã lân cận đối với mỗi người cán bộ Y tế nơi đây. Chính tình cảm mà mỗi người dân xã Sủng Trái dành cho bác sĩ Cường là động lực, là trách nhiệm để bác sĩ tiếp tục gắn bó và làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những nỗ lực của bác sĩ Cường đã góp phần đáng kể trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân của xã Sủng Trái nói riêng và người dân của huyện Đồng Văn nói chung.Với những thành tích đạt được, bác sĩ Cường đã được Sở Y tế, UBND huyện tặng nhiều Giấy khen và được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện đánh giá là một cán bộ năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.